HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN VÀ TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG NDT

Kiểm tra không phá hủy (Non-Destructive Testing – NDT) là một công cụ quan trọng để phát hiện các khuyết tật bên trong các vật kiểm tra mà không làm tổn hại đến khả năng hoạt động sau này của chúng. Các phương pháp NDT đóng vai trò quan trọng trong các chương trình đảm bảo và kiểm soát chất lượng sản phẩm, được sử dụng trong tất cả các công đoạn của quá trình chế tạo và vòng đời sản phẩm. ​

NDT là quá trình kiểm tra tính đồng nhất, liên tục của đối tượng bằng cách sử dụng các phương pháp vật lý mà không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng của đối tượng.

Được hình thành và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX, NDT đã trở thành một công cụ quan trọng và cũng là một nội dung thiết yếu trong hầu hết các chương trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng (QA/QC) công nghiệp ngày nay. Chất lượng, tính an toàn và độ tin cậy của nhiều sản phẩm, hạng mục từ công nghiệp dầu khí, hóa chất, chế tạo cơ khí… cho đến sản xuất năng lượng (đặc biệt là hạt nhân) luôn gắn liền với các ứng dụng NDT. Hiện tại, nhiều tổ chức uy tín trên Thế giới như ASME, AWS, EN, ISO, DNV, … cùng các quốc gia đã ban hành và hoàn thiện nhiều các bộ Quy phạm, Tiêu chuẩn cho chế tạo, vận hành, bảo dưỡng của các lĩnh vực trong công nghiệp và được sử dụng rất phổ biến.  Trên thế giới, ví dụ Hoa Kỳ, các Bộ qui phạm kỹ thuật đều có một phần dành riêng đề ra yêu cầu và mô tả các phương pháp NDT, như ASME B.P.V Code, hay AWS D1.1, D1.5, vv…

Tại Việt Nam, NDT đã được đưa vào ứng dụng từ những năm 60 của thế kỷ XX. Cùng với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, các công nghệ và kỹ thuật NDT từ truyền thống đến hiện đại trên thế giới đã được đưa vào và ứng dụng phổ biến trong tất cả các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia. Hiện nay, NDT đã trở thành một nghề không còn xa lạ trong xã hội và đang dần đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng của mỗi công trình.

Khảo sát tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Trong yêu cầu mới của việc áp dụng NDT trong giai đoạn phát triển nhanh và ứng dụng của thành tựu khoa học cũng như trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng 4.0 mà không chỉ riêng lĩnh vực ứng dụng NDT tại Việt Nam đang phải đối mặt đó là:

  • Sự tụt hậu về cơ sở hạ tầng chất lượng: tiêu chuẩn, công nghệ, trang thiết bị, nhân lực, tổ chức, …
  • Yêu cầu hội nhập, cạnh tranh và phân công lao động toàn cầu.
  • Yêu cầu và thách thức trong đảm bảo và kiểm soát chất lượng

Tuy vậy, trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức kiểm tra, sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và ứng dụng kỹ thuật số cho ra nhiều thiết bị và phương pháp tiên tiến. Do vậy, NDT Việt Nam nói chung có điều kiện tiếp cận, áp dụng các kỹ thuật mới, đồng thời có cơ hội tiến sâu hơn vào các nền công nghiệp trên thế giới với nhiều cơ hội việc làm.

 

Làm việc với Công ty SGS đánh giá năng lực của cơ sở triển khai dịch vụ

Với mục tiêu đưa nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, kỹ thuật NDT vào Việt Nam để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt và mức độ cao nhất về đảm bảo an toàn và kiểm soát chất lượng mà trước hết là áp dụng cho các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng để tạo dựng và phát triển tiềm lực từ cơ sở hạ tầng, thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng…sẵn sàng cho chương trình điện hạt nhân trong tương lai.

Trong nhiều năm qua các đơn vị thành viên của Vinatom đã và đang đẩy mạnh các lĩnh vực hoạt động chính bao gồm:

  • Nghiên cứu, tìm hiểu và phát triển các công nghệ, kỹ thuật kiểm tra
  • Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực chuyên gia, chuyên viên NDT không chỉ cho các đơn vị trong Vinatom mà cho hầu hết các đơn vị, tổ chức trong phạm vi cả nước.
  • Tư vấn, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các hoạt động triển khai trong việc lựa chọn các giải pháp hợp lý, các tiêu chuẩn, kỹ thuật đúng.
  • Ứng dụng triển khai NDT một cách có trọng điểm cho các dự án quan trọng (điện, lọc hóa dầu, công trình xây dựng, …) với việc đi đầu ứng dụng và phổ cập các công nghệ cao.

Điển hình với những công nghệ tiên tiến như:

+ Chụp ảnh phóng xạ kỹ thuật số (DIR) với liều chiếu giảm đáng kể cùng chất lượng ảnh tuyệt vời kết hợp sự hỗ trợ của công nghệ số hóa trong ứng dụng kiểm tra, đo chiều dày thành ống, phát hiện các khuyết tật dưới lớp bảo ôn trong các cơ sở lọc dầu, hóa chất.

 

Kiểm tra Chụp ảnh phóng xạ tại Nhiệt điện An Khê

+ Phương pháp dòng điện xoáy (ECT) kiểm tra phát hiện khuyết tật bên trong hàng vạn ống của hệ thống trao đổi nhiệt, bộ ngưng của nhà máy nhiệt điện.

Các số liệu kiểm tra chính là cơ sở để xây dựng dữ liệu phân tích đánh giá tuổi thọ vận hành của mỗi nhà máy.

Nổi bật lên là một số hoạt động của các đơn vị thành viên trong Vinatom như:

+ Chi nhánh Trung tâm NDE tại TP HCM được sự trợ giúp của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA, phòng thí nghiệm cầu đường Pháp LCPC, … đã tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, xây dựng các quy trình công nghệ và triển khai áp dụng các kỹ thuật NDT phục vụ cho công tác điều tra khảo sát và kiểm tra chất lượng công trình xây dựng.

+ Trung tâm NDE là một trong những tổ chức đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng và triển khai và được biết đến là tổ chức hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực NDT thông qua đào tạo, đánh giá và chứng nhận kỹ thuật viên từ bậc thấp đến bậc cao trong hầu hết các ngành công nghiệp trọng điểm. NDE cũng là tổ chức hàng đầu trong việc nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng triển khai các chương trình kiểm tra bảo dưỡng nhà máy điện trong phạm vi rộng khắp đất nước bằng các kỹ thuật tiên tiến như ECT, CR, PAUT…

 

Kiểm tra ECT tại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2

Kiểm tra Siêu âm tại dự án Cầu Hoàng Văn Thụ – Hải Phòng

Với sự đầu tư của Nhà nước, sự lãnh đạo và chỉ đạo của cơ quan chủ quản cấp trên trong thời gian tới các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phát huy tối đa tiềm lực, tìm hiểu nhu cầu ngày càng cao, đa dạng một mặt phát triển đổi ngũ chuyên gia. Hơn nữa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và định hướng đúng đắn, mỗi đơn vị đang sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội mới mà sự thay đổi của kinh tế Thế giới mang lại để đáp ứng tốt nhiệm vụ trong chuỗi đảm bảo chất lượng toàn cầu.